Đôi nét về ý nghĩa văn hóa của đồ trang sức
Ở đất nước Ấn độ có hình thức đeo đồ trang sức bằng vàng trên cánh mũi. Người Da Đỏ Inoama đeo trang sức trên môi. Bộ xà tích bằng bạc của người Việt đeo bên hông…
Đồ trang sức là một trong những yếu tố làm đẹp, góp phần vào tổng thể phục sức của con người.
Như Mác đã nhận định: “Văn hóa được sáng tạo theo quy luật của cái đẹp” các đồ trang sức do con người tạo nên nhằm tôn thêm vẻ đẹp của chính cơ thể mình thì cũng là một nét văn hóa – mà trong cuộc sống nhu cầu làm đẹp của con người thật bất tận! Nó là một trong ba đạo lý bên cạnh việc làm đúng và làm điều tốt lành được đúc kết trong khái niệm CHÂN – THIỆN – MỸ.
Ngay từ thời nguyên thủy, con người đã tự làm ra đồ trang sức tuy vật liệu và hình thức còn thô sơ như: đất, đá, vỏ ốc, xương động vật… tạo thành chuỗi hạt, vòng, nhẫn… để đeo, làm đẹp cho mình. Xã hội ngày càng phát triển, mỗi thời lại có nhu cầu làm đẹp cao hơn về hình dáng, cách đeo đồ trang sức ở mỗi thời cũng có sự khác nhau, và những sản phẩm mỹ nghệ ấy cũng có giá trị cao hơn cả về kỹ thuật và mỹ thuật theo xu hướng thị hiếu đương thời. Một điều dễ nhận thấy là: trên những yếu tố cơ bản của chất liệu đá, vàng, bạc… cũng như chủng loại trang phục như vòng tay, nhẫn, hoa tai… của con người ở trên toàn cầu từ xưa đến nay định danh cho chúng là giống nhau. Nhưng vẻ đẹp đồ trang sức của mỗi dân tộc lại có những sự khác nhau. Đây chính là một trong những khía cạnh tạo nên bản sắc dân tộc, bởi những nét riêng trong khiếu thẩm mỹ. Ngoài giá trị đó, nó còn gắn với phong tục tập quán, chắt lọc những tinh hoa trong đời sống tạo nên những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, một nét tiêu biểu của văn hóa vật chất. Mặt khác, đồ trang sức còn mang những giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội nhất định của từng tộc người, không ngoại trừ cả yếu tố tâm linh mà mỗi tác phẩm của món đồ trang sức ấy lại có thêm một ngôn ngữ biểu hiện riêng và theo quan niệm của từng tộc người về giá trị quý hiếm của sản vật, vẻ đẹp của chất liệu… làm tiêu chí thẩm mỹ và giá trị kinh tế, thước đo đẳng cấp, biểu tượng quyền lực trong xã hội…
Đồ trang sức ở Trung Đông: đặt chuẩn là vàng, người dân Trung Mỹ lại đánh giá đá xanh lục là quý nhất. Chuỗi hạt mã não của nhiều tộc người ở Đông Nam Á đã trở thành vật gia bảo như một loại bùa hộ mệnh mang tính truyền thống (theo họ, ngoài vẻ đẹp tự thân của độ phản quang, sắc màu long lanh, nó còn có tác dụng chữa bệnh). Chiếc vòng cổ bằng vuốt gấu của bộ tộc FOX người Da Đỏ – Bắc Mỹ là biểu tượng cao quý về quyền năng sức mạnh. Một số tộc người ở vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên Việt Nam phổ biến là dùng bạc làm đồ trang sức (vừa kỵ gió, trừ tà ma).
Thời La Mã cổ đại đồ trang sức còn được kết hợp như một vật dụng: nhẫn vàng là phù hiệu cấp bậc cho kỵ binh, nhẫn chạm đá dùng để đóng dấu văn bản hành chính. Đồ trang sức còn là vật biểu trưng mang những tín hiệu nhất định: đôi hoa tai bằng vàng hình thuyền của Hy Lạp có khắc những sinh vật nửa người nửa chim theo thần thoại trong văn hóa tín ngưỡng của họ. Vòng cổ tay của Hoàng tử NEMARETH nước Ai Cập cổ đại có khắc hình đứa trẻ và rắn hổ mang (hình đứa trẻ tượng trưng cho thần HORUS ngồi trên tòa sen, rắn hổ mang bảo vệ sự bình yên). Vòng tay nạm hình rắn thần NAGA của Ấn Độ biểu tượng của sự may mắn. Chuỗi hạt đeo cổ làm từ chất liệu thủy tinh, hạt nhựa nhiều màu sặc sỡ đối với người châu Phi lại là độc tôn về cái đẹp đồng thời là tín hiệu giao duyên của con người. Chiếc nhẫn tròn MƯTA, mặt nhẫn có hình hoa 8 cánh bằng vàng, giữa bông hoa đính hột đá màu đen là dấu hiệu nhận biết đồng tộc của người Chăm. Đôi vòng đeo tai bằng bạc của người H’Mông, có dáng hình trăng khuyết, chạm khắc hoa văn hình học con bướm, con cá, mặt trăng, ngôi sao… là sự cầu mong ấm no hạnh phúc hay chiếc vòng bạc tín hiệu cầu hôn của người Tây Nguyên…
Vẻ đẹp của đồ trang sức cũng muôn hình vạn dạng và cách đeo đồ trang sức cũng theo cái “chuẩn mực” thẩm mỹ của từng quốc gia: Ở đất nước Ấn độ có hình thức đeo đồ trang sức bằng vàng trên cánh mũi. Người Da Đỏ Inoama đeo trang sức trên môi. Bộ xà tích bằng bạc của người Việt đeo bên hông…
Có một đặc điểm nữa là những chất liệu của đồ trang sức không những để đeo mà còn may, đính, dát, dệt cùng sợi vải tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy cho trang phục, gài lên mái tóc, kết trên mũ, khăn… biểu hiện sự giàu sang uy quyền như những vương miện bằng vàng, đính đá, khảm ngọc thời Ai Cập cổ đại, thời Trung cổ, Phục Hưng ở châu Âu hay trên các mũ Cửu Long, Cửu Phụng, các Long Bào lễ phục của các Hoàng đế châu Á (Trung Hoa, Ấn Độ…) trở thành giá trị nghệ thuật trong kho tàng văn hóa của nhân loại.
Nhiều nơi trên thế giới đồ trang sức là vật gắn bó với kỷ niệm của gia đình hay một gia tộc truyền từ đời này sang đời kia, trở thành một bộ phận linh thiêng trong đời sống. Đôi khi nó còn là vật cứu cánh lúc cơ nhỡ của con người.
Đặc biệt, có một loại trang sức đã mang tính “quốc tế hóa” đó là chiếc nhẫn cưới, cho dù ở các dạng thức vật chất nào thì giá trị tinh thần của nó cũng được con người cả Âu lẫn Á không phân biệt giai tầng trong xã hội đều trân trọng. Bởi nó mang một ý nghĩa thiêng liêng, tín hiệu trưởng thành trong cuộc đời của mỗi con người.
Theo dòng lịch sử thời trang thế giới: Trước đây việc trai gái kết duyên với nhau thường do sự sắp đặt của bố mẹ, chỉ có người chồng được phép trao cho vợ chiếc nhẫn, như một bằng chứng của sự hội nhập. Còn nghi lễ cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới cho nhau ra đời ở châu Âu vào TK16. Nhà thờ đóng vai trò quan trọng trong việc hôn nhân của trai gái, công nhận chế độ một vợ một chồng và trai gái được tự chọn người mình yêu, nên việc trao nhẫn cưới trong lễ hằng thuận cũng từ cả hai phía. Biểu hiện sự tôn trọng, bình đẳng giới của xã hội văn minh tiến bộ. Hình tròn của chiếc nhẫn được coi là biểu tượng của một tình yêu bất tử. Chiếc nhẫn được đeo vào ngón thứ tư của bàn tay trái bởi từ đó có tĩnh mạch chạy thẳng tới trái tim. Sợi dây gắn kết chính thức giữa 2 con người vào thời điểm thiêng liêng trước sự chứng kiến của 2 họ, bạn bè và xã hội. Đôi nhẫn cưới phổ biến là chất liệu vàng, ngoài giá trị kinh tế thì tính năng vật lý kim loại của vàng là không bị ôxy hóa, vẻ đẹp lấp lánh tự thân, dễ dát mỏng, tạo nhiều hình dạng khác nhau và theo cách nhìn “Phật tính” chất liệu vàng có đặc tính “tùy duyên bất biến”, nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn… Chiếc nhẫn cưới, ngoài chức năng làm đẹp nó còn mang nét văn hóa trong đời sống xã hội, ý nghĩa về tình bạn, tình yêu chung thủy và đạo lý vợ chồng.
Thời công nghiệp hiện đại, kỹ thuật chế tác phong phú đồ trang sức còn kết hợp các chất liệu theo yếu tố phong thủy: Đá Ruby là loại đá quý (Hồng Ngọc) sắc đỏ của đá ruby biểu tượng cho điều may mắn. Đá Citrine (màu vàng chanh, vàng cam) người xưa quan niệm loại đá này có thể trị được dịch bệnh. Đá Thạch anh: màu tím, hồng, đen… màu tím là màu được ưa chuộng nhất, ngoài vẻ đẹp trong suốt, nó còn được coi như một loại thần dược. Đá màu mắt mèo: quan niệm sáng suốt tinh anh nên các doanh nhân hay lựa chọn để thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin, quyết đoán. Kim cương với đặc tính ưu việt hoàn mỹ, màu sắc trong suốt, tinh khiết, luôn mang lại sự may mắn. Vì vậy, mà hiện nay nhẫn cưới thường có gắn kim cương biểu tượng hạnh phúc bền vững lâu đời.
Đồ trang sức của Việt Nam, cũng theo quy luật trong tiến trình văn minh của nhân loại. Từ đồ trang sức của người Việt cổ cùng đồ trang sức của cộng đồng 54 dân tộc chung sống, phong phú về loại hình và chất liệu, đa dạng về họa tiết hoa văn gửi gắm những biểu tượng triết lý về vũ trụ, nhân sinh phản ánh cái chất dân tộc gắn với vẻ đẹp của con người đã tạo nên một nền văn hóa trang sức. Tới ngày nay, chúng ta đã có một ngành kim hoàn đá quý với các vật phẩm đồ trang sức mang dấu ấn Việt Nam riêng – đã và đang góp phần làm giàu cho đất nước trên cả 2 phương diện kinh tế và văn hóa.
Leave a Reply