Mối liên hệ giữa vàng và sức khỏe
Ở một số dân tộc (Nhật, Trung Quốc, Pháp…) có dùng vàng làm thực phẩm. Ở Nhật có thói quen rắc vàng nhỏ li ti vào thức ăn.
Vàng là một kim loại quý, hiếm. Loài người biết đến vàng hơn 8.000 năm nay. Ở Nam Phi, người ta đã tìm thấy vỉa trầm tích vàng cổ xưa nhất với niên đại 2,5 tỷ năm. Theo một tài liệu: có 193.000 tấn vàng đã được khai thác trên trái đất từ trước tới nay.
Đôi nét về vàng
Vàng được tính theo ounce (viết tắt là oz), theo quy định quốc tế: 1oz = 28,3495g, còn ở ta hay tính theo chỉ (đồng cân) # 3,75g, do đó 1 oz tương đương 7,5 chỉ.
Ở một số quốc gia còn sử dụng vàng làm chuẩn gốc cho hệ thống tiền tệ gọi là kim bản vị (tiếng Anh là gold standard, còn tiếng Pháp: e’talon d’or). Một cộng đồng sử dụng kim bản vị khi phát hành số lượng tiền được bảo đảm giá trị bằng khối lượng vàng tương ứng đã được dự trữ cố định và có thể đem số tiền ấy đổi lấy số vàng tương tương.
Nhiều nước ngoài việc dự trữ bằng ngoại tệ còn dự trữ vàng, do đó trên thế giới có nhiều kho vàng và kho chứa vàng lớn nhất thế giới (7.000 tấn) thuộc quyền quản lý của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, ở trong 5 tầng nằm ngầm dưới độ sâu 25m. Kho vàng ở Đức có khoảng hơn 3.000 tấn, còn theo một tài liệu thì dự trữ vàng của các quốc gia công nghiệp khoảng hơn 30.000 tấn.
Vàng trong nữ trang
Vàng thường được dùng làm đồ trang sức: nhẫn, vòng, kiềng, dây chuyền… Việc đeo vàng trên người từ xa xưa và hiện nay được thừa nhận là có mối liên quan mật thiết đến sức khỏe người đeo. Các vật này khi mang trên người được coi như đường dây dẫn điện, được ví như các mạch cộng hưởng khép kín, do đó có tác động nhất định đến cơ thể. Có ý kiến cho rằng tính chất của vàng là kích thích phát sinh năng lượng, làm kích thích chức năng niệu – sinh dục; thích hợp với những người ở trạng thái mệt mỏi, suy sụp, còn những người có thần kinh dễ bị kích động thì không nên đeo vàng mà thay bằng bạc. Có người cho rằng nam giới đeo vàng thường xuyên có thể dẫn đến rối loạn chức năng nội tiết, làm ảnh hưởng đến hoạt động “của quý” dẫn đến liệt dương.
Vừa qua, ở Pháp đã xuất hiện loại nữ trang chữa bệnh có tên là Slim Line, gồm hỗn hợp vàng và titan, dưới hình thức đôi hoa tai, khi đeo cọ xát vào da tạo một luồng điện nhẹ có tác dụng hưng phấn, thích hoạt động.
Vàng dùng làm thuốc
Ngày xưa, vua chúa Trung Hoa thường uống vàng hòa tan trong nước (hoàng kim thủy) hoặc rượu (hoàng kim tửu) để mong được trường sinh bất lão. Trong sách cổ “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân, thời nhà Minh (Trung Quốc) có viết: Vàng làm trấn tĩnh thần kinh, chữa được bệnh kinh phong ở trẻ em. Người Tây Tạng có đơn thuốc bổ rất quý trong đó có chứa vàng và một số dược thảo, dành cho khách đặc biệt. Trong y học hiện đại, vàng có trong một số thành phẩm:
Auranofin (biệt dược: auropan, crisofin, ridaure…), viên nén 3mg dẫn chất hữu cơ chứa vàng. Dùng trong điều trị cơ bản bệnh viêm nhiều khớp dạng thấp ở người lớn. Liều dùng người lớn: ngày 2 lần x 1 viên (sáng và tối), nên dùng tiếp sau một đợt tiêm thuốc muối vàng. Chống chỉ định: tiền sử tai biến nặng với muối vàng, bệnh thận tiến triển kèm protein và huyết niệu, suy gan, suy thận, tiền sử suy tủy do nhiễm độc, suy tim, viêm miệng hay bệnh da tiến triển, phụ nữ có thai hay nuôi con bú, trẻ dưới 16 tuổi.
– Aurothioglucose (biệt dược: aurestan, auromyose, solganal…). Dẫn chất muối vàng, dùng tiêm bắp trong thấp khớp. Liều dùng: tiêm bắp 10mg/tuần và tăng dần lên 50mg/tuần.
– Aurotioprol (biệt dược allochrysine lumière – Pháp). Ống tiêm 2ml có 25mg hoặc 50mg, 100mg hay 200mg, kèm một ống 8ml dung dịch pha loãng đẳng trương. Dẫn chất muối vàng để tiêm, điều trị viêm nhiều khớp đã kháng lại aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác, còn dùng chữa vẩy nến. Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, bắt đầu ngày 25mg hoặc 50mg sau tăng dần, cứ 5 ngày tăng thêm 100mg cho đến tổng liều là 1.500mg. Chống chỉ định: Ban đỏ ngoài da, tổn thương gan, thận, rối loạn công thức máu, viêm thận, tiêu chảy kéo dài. Tránh dùng cho người đang điều trị bằng corticoid.
– Oligocure (Pháp). Lọ 60ml, chứa 0,36mg vàng thể keo + 18mg mangan gluconat + 18mg đồng gluconat + 0,06mg gôm arabic. Thuốc chống suy nhược, bồi bổ thêm nguyên tố vi lượng. Không dùng lâu dài. Uống 5ml/ngày, vào buổi sáng lúc đói. Trẻ em cách ngày uống một lần. Trong ngành y (nha khoa) cũng dùng tới 3% lượng vàng tiêu thụ trên thế giới để bọc răng.
Vàng trong mỹ phẩm
Trong công nghệ làm đẹp, vàng còn có tác dụng đến sức khỏe, từ những năm đầu 1990, nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Oscar (Mỹ), Guerlain (Pháp), Heartland (Nhật) đã sản xuất những sản phẩm kem dưỡng da có chứa vàng. Dựa trên nguyên tắc: khi được xoa lên da, nhờ những tác động xoa bóp và ma sát vật lý, chất vàng ở thể những hạt mịn, thấm sâu vào da và do ma sát nhiễm tĩnh điện, chúng đi vào phía trong da và bị ion hóa. Bị các ion dương của vàng kích hoạt nên các ion bao quanh nó bị dịch chuyển đi tạo thành dòng chảy của ion. Tiếp đó, dòng chảy của năng lượng cũng được kích hoạt và vùng da bị tổn thương sẽ được phục hồi, quá trình lão hóa của tế bào được ngăn chặn. Kem này có hiệu quả dưỡng da, nhờ các ion khác phụ thêm vào sau tác động đầu tiên của vàng, tạo nên hiệu quả chống lão hóa, giữ gìn làn da trẻ trung tươi mát.
Vàng dùng làm thực phẩm
Ở một số dân tộc (Nhật, Trung Quốc, Pháp…) có dùng vàng làm thực phẩm. Ở Nhật có thói quen rắc vàng nhỏ li ti vào thức ăn. Trên báo L’ Express, đầu năm 2007 có đưa tin: Nhà hàng nổi tiếng sang trọng ở Pháp là Espadon có phục vụ bữa ăn đón giao thừa như món trứng cá hồi có rắc bột vàng hoặc món khoai tây rán phồng có điểm lá bằng vàng ròng dát thật mỏng. Giá các món này không rẻ, khoảng 2.000 euro. Cần nói thêm vàng là loại thực phẩm khá phổ biến ở Pháp, các cửa hàng thực phẩm khô có bán vàng được dát mỏng thành từng lá, đóng gói thành tập (25 lá) với giá khoảng 28 euro.
Ở Việt Nam cũng từng có một cửa hàng ăn ở ngoại thành Hà Nội có chế biến một số món ăn làm từ vàng nhưng cuối cùng các món ăn trên bị cấm. Trong chuyện ăn vàng này cũng có nhiều tranh luận, ăn như thế lợi hay hại cho sức khỏe. Phái ủng hộ, dựa vào vua chúa thời xưa từng ăn vàng nhất là tài liệu để lại của thầy thuốc Lý Thời Trân, có viết: ăn vàng bổ tim, có tác dụng chữa bệnh tim, dựa trên nguyên lý điều hòa âm dương và ngũ hành. Phái chống đối cho rằng ăn vàng không có ích lợi gì, vàng không hề chứa chất dinh dưỡng cũng không phải là nguyên tố vi lượng mà con người cần. Ăn vàng, cơ thể không phân hủy, hấp thu mà sẽ bị đào thải ra ngoài theo phân, chưa kể vàng có thể ứ đọng ở đường tiêu hóa, sinh tắc nghẽn gây nhiều phiền phức. Các món hoàng kim yến, hoàng kim tửu chỉ là thói phô trương, tiêu xài hoang phí của những kẻ hợm của. Còn chuyện nuôi cá, cần thức ăn có chứa vàng, đối với loại cá vàng đặc biệt (trong vảy có chứa nguyên tố vàng thực sự) đã diễn ra ở hai bang California và Colorado (Mỹ). Từ tháng 4/2001 các nhà khoa học Mỹ, nhờ công nghệ di truyền, đã tạo ra được loại cá này và để nuôi chúng cần loại thức ăn đặc biệt trên.
Leave a Reply