Tác dụng khác của nữ trang
Vì vậy người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, nhất là hộ lý và kỹ thuật viên, tốt nhất nên tránh đeo đồ trang sức để đề phòng nhiễm khuẩn.
Lâu nay nhiều cô gái vẫn nghĩ rằng đeo đồ trang sức chỉ là để thêm chút lúng liếng làm duyên. Song dưới con mắt của các nhà Đông y thì vật dụng trang sức như bông tai, dây chuyền còn có những tác động nhất định đến sức khỏe.
Trên một số trang web chuyên về nữ trang đã có những lời khuyến cáo về mối liên quan giữa trang sức và sức khỏe. Món nữ trang làm duyên cho các nàng hơn cả có lẽ là đôi bông tai. Ngoài chuyện chọn lựa đôi bông tai có hình dáng như thế nào, làm từ nguyên vật liệu gì cho phù hợp với hình vóc, tuổi tác, trang phục, bạn gái cũng nên biết đôi điều về tác dụng có lợi đến sức khỏe của vật đeo tai xinh xắn này.
Theo Đông y, tai người có mối liên hệ mật thiết với kinh lạc và tạng phủ của cơ thể. Vành tai ngoài tác dụng phản xạ sóng âm thanh, tăng cường sức nghe, còn là bộ phận có phản ứng với cả cơ thể. Phương pháp châm cứu tai dựa trên nguyên lý này. Trên vành tai có những điểm phản ứng hoặc khu vực đại diện của các khí quan, tạng phủ của cơ thể người, gọi là các huyệt vị kinh lạc ở tai.
Khi một bộ phận cơ thể nào có bệnh lý, người thầy thuốc khi châm cứu sẽ kích thích các huyệt tương ứng, làm thông suốt kinh mạch, điều hòa huyết khí toàn thân, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe.
Ít người biết rằng, điểm xỏ lỗ tai ngay giữa trái tai để đeo bông tai chính là những huyệt vị đầu và mắt người trên tai. Khi đầu và mắt đau nhức, day những huyệt này có thể làm điều hòa khí huyết vùng mắt và đầu, giúp vùng đau trở nên dễ chịu. Cách đeo bông tai dù là đeo dạng xỏ móc qua lỗ tai hay dạng bông tai kẹp dùng cho người không có lỗ tai, hay dạng bông tai xoắn bằng ốc vít để giữ chặt nơi lỗ xỏ; đều có tác dụng làm ấm, kích thích thường xuyên vào huyệt mắt.
Và điều thú vị là chỉ với đôi bông tai, các cô gái vừa làm đẹp, vừa có thể đề phòng bệnh mắt và còn có tác dụng an thần. Ngoài nét khỏe đẹp mà bông tai mang lại, bạn gái cũng nên lưu ý đến việc vệ sinh thường xuyên cho vành tai, nhất là người dễ dị ứng với kim loại, vì vùng da tiếp xúc với bông tai thường xuyên rất dễ gây viêm da.
Đồ trang sức mang lại nét đẹp cho mọi người. Song không phải ai cũng đeo được nữ trang. Có những trường hợp mà trang sức gây tác hại đến sức khỏe, tâm lý, hoặc công việc do không phù hợp lứa tuổi, môi trường làm việc và học tập. Trẻ nhỏ thuộc vào lứa tuổi không nên cho đeo trang sức. Nhiều bậc cha mẹ thường hay cho con trẻ đeo bông tai, lắc tay, dây chuyền bằng vàng, bạc, mà không nghĩ đến chuyện gây tác hại đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ con ưa chạy nhảy nghịch ngợm, không chỉ dễ làm rơi mất món đồ trang sức, mà nguy hiểm hơn món đồ có thể gây ra những tai nạn nghiêm trọng khi chẳng may trẻ nuốt vào bụng hoặc mắc kẹt ở cổ họng. Thêm vào đó, da của trẻ còn rất non, các món đồ nữ trang như lắc tay, dây chuyền, bông tai, nhẫn… đều dễ gây tổn thương cho da, có thể gây sưng tấy, mưng mủ, trầm trọng hơn có thể nhiễm trùng.
Lớn hơn một chút, vào tuổi nhi đồng, cơ thịt, xương khớp của trẻ phát triển rất nhanh; nếu đeo nhẫn, vòng tay, rất có thể làm cho ngón tay, cổ tay bị ứ máu tuần hoàn. Trường hợp nặng có thể dẫn đến thiếu máu nuôi cục bộ, hoại tử, làm hư hại bộ phận cơ thể.
Tuổi học trò cấp học phổ thông cũng chưa thích hợp để đeo đồ trang sức. Vì đây là giai đoạn quan trọng dành ưu tiên cho việc học tập trên hết, học trò đeo đồ trang sức từ sớm dễ không tập trung cho việc học, đua đòi ăn diện, sớm hư hỏng.
Ở tuổi này, tâm sinh lý chưa vững vàng nên dễ bị ảnh hưởng không tốt do việc đeo đồ trang sức gây nên. Đã có một số nước cấm học trò đeo đồ trang sức để tránh những tác động không tốt đến việc học. Như Trung Quốc, bộ giáo dục đã ra quy định nghiêm ngặt: học sinh trung học trở xuống không được đeo đồ trang sức khi đến trường học.
Một trường hợp khác không nên đeo đồ trang sức nữa là người làm công tác y tế, trực tiếp cứu chữa bệnh nhân. Ở môi trường tiếp xúc với người bệnh thường xuyên nên khả năng lây truyền vi khuẩn nhiều hơn người bình thường rất nhiều. Thế nên người làm công việc cứu chữa bệnh nhân khi đeo đồ trang sức thì chính món đồ trang sức và nơi da tiếp xúc với đồ trang sức là cái ổ cho vi khuẩn gây bệnh sinh sống.
Vì vậy người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, nhất là hộ lý và kỹ thuật viên, tốt nhất nên tránh đeo đồ trang sức để đề phòng nhiễm khuẩn.
Leave a Reply